Tăng huyết áp là căn bệnh phổ biến ở người già nhưng ít ai biết được rằng căn bệnh này còn gặp ở cả trẻ em nhưng chưa phổ biến. Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em cũng rất nguy hiểm. Chính vì vậy, việc nhận biết, chăm sóc cũng như điều trị kịp thời cũng là một việc cần phải làm để hạn chế những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ do căn bệnh này gây ra. Vậy chăm sóc trẻ em bị tăng huyết áp như thế nào? điều trị ra sao để an toàn và hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Mục lục
Nguy cơ tăng huyết áp ở trẻ em
Trong số những người bị tăng huyết áp thì tỉ lệ trẻ em bị mắc bệnh này chiếm khoảng 1% bao gồm cả tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Trẻ em bị tăng huyết áp ở mức độ nặng hoặc xuất hiện cùng những biểu hiện khá rõ ràng thường thuộc trường hợp tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát thường xảy ra và có xu hướng gia tăng ở độ tuổi học đường hoặc những thanh thiếu niên bị béo phì.
Mới đây một nghiên cứu sàng lọc ở Hoa kỳ đã cho thấy: gần 10% thanh thiếu niên bị mắc chứng tiền tăng huyết áp và có đến 2.5% thanh thiếu niên bị tăng huyết áp. Trong đó chủ yếu gặp ở trẻ em bị thừa cân béo phì.
Nếu như ở người lớn, người được coi là tăng huyết áp khi có chỉ số huyết áp tâm thu trên huyết áp tâm trương ≥ 140/90 mmHg ở mọi độ tuổi, cân nặng, giới tính. Định nghĩa này mang tính chức năng dựa trên mối liên quan giữa chỉ số huyết áp với các biến cố tim mạch có thể xảy ra như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đứt mạch máu não… Những biến cố này ít xảy ra ở thời ấu, vì vậy định nghĩa trẻ em bị tăng huyết áp chỉ mang tính chất thống kê hơn là tính chức năng.
Theo ủy ban Ủy ban Điều phối Chương trình Giáo dục Cao huyết áp Quốc gia Hoa Kỳ NHBPEP thì để chẩn đoán cũng như điều trị cao huyết áp ở trẻ em người ta dựa vào bảng trị số huyết áp của trẻ theo tuổi và giới với các mức bách phân vị 50, 90, 95, 99 của chỉ số huyết áp (tâm thu và tâm trương). Cụ thể:
- Huyết áp bình thường ở trẻ: khi chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương dưới đường bách phân vị 90 theo tuổi, giới tính và chiều cao của trẻ.
- Huyết áp bình thường – cao hay tiền tăng huyết áp ở trẻ: huyết áp tâm thu trung bình và/hoặc huyết áp tâm trương trung bình nằm giữa đường bách phân vị thứ 90 và 95 ở trẻ nhỏ hoặc huyết áp lớn hơn 120/80 mmHg và nằm dưới đường bách phân vị 95 đối với trẻ lớn và các đối tượng thanh thiếu niên.
- Trẻ em bị tăng huyết áp: huyết áp tâm thu trung bình và/hoặc huyết áp tâm trương trung bình của trẻ em nằm trên đường bách phân vị thứ 95 theo tuổi, giới tính, chiều cao ở trẻ, kết quả này thu được trong ít nhất 3 lần đo khác nhau.
- Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em: còn có một thể đặc biệt là tăng huyết áp áo choàng trắng khi chỉ số huyết áp đo được ở bệnh viện hoặc phòng khám nằm trên đường bách phân vị 95 nhưng lại nằm dưới đường bách phân vị thứ 90 khi đo ở ngoại viện.
Cách xác định bệnh lý tăng huyết áp ở trẻ
Cách xác định tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em
Tăng huyết áp nguyên phát có thể bắt gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tăng huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp là những vấn đề sức khỏe đáng lưu ý do mối liên hệ giữa chỉ số huyết áp cao với tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ.
Để đánh giá trẻ em bị tăng huyết áp nguyên phát cần bao gồm cả các yếu tố nguy cơ như: tình trạng béo phì, lượng HDL-C thấp, lượng Triglyceride tăng, có hay không có tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết… Bên cạnh đó hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có liên quan đến bệnh tăng huyết áp và thừa cân, vì vậy cần phải ghi nhận thêm các vấn đề về giấc ngủ của trẻ.
Cách chẩn đoán tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em
Ngoài tăng huyết áp nguyên phát thì trẻ em cũng bị tăng huyết áp thứ phát. Trường hợp này thường liên quan đến một số bệnh lý khác như: bị rối loạn giấc ngủ, người bị bệnh thận mạn tính, người bị hẹp động mạch thận, một số bệnh lý tim mạch, rối loạn chức năng tuyến thượng thận, cường giáp hoặc do sử dụng một số loại thuốc…
Bên cạnh đó thì trẻ em bị béo phì cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn các trẻ em khác. Do đó, các trường hợp trẻ em bị chẩn đoán tăng huyết áp trong quá trình khám lâm sàng đều cần phải đánh giá chỉ số BMI.
Để chẩn đoán xác định chính xác nhất bệnh tăng huyết áp ở trẻ em, các bác sĩ cần phải đo huyết áp tứ chi. Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ tăng huyết áp từ độ 2 trở lên hoặc nhóm thanh thiếu niên có triệu chứng gợi ý nguyên nhân tăng huyết áp cần được đánh giá một cách toàn diện, kỹ lưỡng hơn những trẻ khác.
Xem thêm: Một số hiểu lầm nguy hiểm thường gặp về cao huyết áp
Cách điều trị cao huyết áp ở trẻ em
Mục tiêu điều trị cao huyết áp ở trẻ em:
- Với trẻ em bị tăng huyết áp thể nguyên phát, đồng thời chưa có biến chứng tổn thương cơ quan đích cần kiểm soát huyết áp về dưới đường bách phân vị 95 theo tuổi, giới tính và chiều cao.
- Với tăng huyết áp ở trẻ kèm bệnh thận mạn tính, đái tháo đường hoặc có tổn thương cơ quan đích cần đưa chỉ số huyết áp về mức dưới đường bách phân vị 90 theo tuổi, giới và chiều cao.
Một số nhóm thuốc hạ huyết áp ở trẻ em được dùng đều dựa trên cơ chế giúp ức chế men chuyển, chẹn thủ thể beta giao cảm, ức chế thụ thể, chẹn kênh canxi và lợi tiểu… Giai đoạn mới bắt đầu điều trị, bác sĩ nên chỉ định thuốc với liều thấp nhất, sau đó tăng dần theo đáp ứng của trẻ cho đến khi đạt mục tiêu.
Trường hợp dùng các thuốc hạ huyết áp ở trẻ em với liều tối đa hoặc xảy ra tác dụng không mong muốn, bác sĩ nên chỉ định kết hợp thêm loại thuốc thứ 2. Vấn đề phối hợp thuốc phụ thuộc vào cơ chế tác dụng, 2 thuốc cần bổ trợ cho nhau như ức chế men chuyển và lợi tiểu, thuốc giãn mạch và lợi tiểu hoặc chẹn Beta giao cảm.
Một vấn đề quan trọng khác trong quá trình điều trị cao huyết áp ở trẻ em là kế hoạch theo dõi sát chỉ số huyết áp, các biến chứng tổn thương cơ quan đích, tác dụng phụ của thuốc, xét nghiệm điện giải đồ và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Chăm sóc trẻ em bị tăng huyết áp
Giảm cân, duy trì cân nặng là biện pháp đầu tiên để kiểm soát, điều trị cao huyết áp ở trẻ em có liên quan đến tình trạng béo phì. Đồng thời, việc duy trì cân nặng lý tưởng sẽ hạn chế được các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp. Các biện pháp giảm cân có thể bao gồm:
- Hướng dẫn trẻ tập luyện các bài tập thể dục phù hợp, đều đặn;
- Hạn chế lối sống thiếu năng động.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: nên hạn chế sử dụng muối (khoảng 1-2g/ngày cho trẻ 4-8 tuổi; 1.5g/ngày cho trẻ lớn hơn), bổ sung thêm rau quả tươi, thực phẩm giàu chất xơ và sử dụng các loại sữa không béo.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên, định kỳ đo huyết áp khoảng 3 lần mỗi tuần.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến việc trẻ em bị tăng huyết áp cũng như cách chăm sóc và điều trị chị em có thể tham khảo. Khi nghi ngờ bị tăng huyết áp hãy đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám cũng như xác định chính xác và có phác đồ điều trị hợp lý nhé.