Một trong những rối loạn phổ biến thường gặp của bệnh nhân huyết áp thấp đó là hạ huyết áp tư thế. Đây chính là nguyên nhân khiến người bệnh hạ huyết áp thường bị ngất xỉu gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như có thể gây nên những tổn thương cho các bộ phận khác trên cơ thể để lại nhiều biến chứng với nguy cơ rủi ro cao, thậm chí có thể khiến người bệnh bị tử vong. Vậy thế nào là hạ huyết áp tư thế? nguyên nhân gây nên bệnh là gì? biểu hiện như thế nào? có cách nào phòng ngừa và chữa trị bệnh được hiệu quả không?
Mục lục
Hạ huyết áp tư thế là gì?
Theo Hiệp Hội Thần Kinh Tự Chủ Hoa Kỳ và viện Thần Kinh Hoa Kỳ, hạ huyết áp tư thế là tình trạng huyết áp bị giảm đột ngột, xảy ra khi bạn đứng lên khi đang ngồi trên ghế hoặc ngồi dậy bà bước ra khỏi giường gây chóng mặt, tối sầm mặt mày, choáng váng, không thể đứng trụ được, đầu óc quay cuồng thậm chí là ngất xỉu và mất trí nhớ tạm thời. Nếu quan sát qua chỉ số đo của máy đo huyết áp có thể thấy lúc này huyết áp tâm thu giảm ít nhất 20mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương giảm ít nhất 10mmHg khi ở tư thế đứng trong vòng 3 phút.
Lý giải điều này các chuyên gia cho rằng khi ở tư thế thẳng đứng, do ảnh hưởng của trọng lực nên máu trong cơ thể sẽ bị dồn về phía các tĩnh mạch vùng thấp của cơ thể theo nguyên tắc nước chảy chỗ trũng và được giữ lại ở đó. Lúc này, sự hồi lưu tĩnh mạch bị giảm kéo theo giảm cung lượng tim làm cho huyết áp bị hạ xuống, đồng thời lượng máu và oxy cung cấp cho não cũng bị giảm. Do đó bệnh nhân có thể bị rối loạn nhận thức thậm chí là ngất xỉu.
Hạ huyết áp tư thế là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. các số liệu thống kê và công bố của y học Hoa Kỳ cho thấy trong tổng số huycác bệnh án bệnh nhân bị mắc huyết áp tư thế có tới 20% bệnh nhân trên 65 tuổi.
Nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế
Hạ huyết áp tư thế xảy ra khi cơ thể bị rối loạn cơ chế cân bằng nội mô như: giảm sức co bóp của tim, giảm thể tích tuần hoàn máu, rối loạn đường truyền và cung phản xạ của thần kinh tự chủ, rối loạn đáp ứng của các hormon nội tiết.
Vì vậy, tất cả các bệnh lý gây ảnh hưởng đến các yếu tố trên thì đều có thể là nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế. Có thể điểm qua một số bệnh như:
Bệnh lý về tim mạch
- Những bệnh về tim mạch như suy thượng thận, xuất huyết hay những bệnh lý có thẻ gây mất nước cho cơ thể như sốt, tiêu chảy nặng, nôn mửa sẽ làm giảm thể tích tuần hoàn máu
- Những bệnh nhân nằm quá lâu hoặc bị giảm kali máu làm giảm trương lực co thắt của các mạch máu
- Giảm cung lượng tim do suy tim, nhồi máu cơ tim hay rối loạn nhịp tim…
- Những trường hợp bị suy tĩnh mạch ngoại biên hoặc cường aldosterone cũng có thể gây hạ huyết áp tư thế
Bệnh lý về thần kinh
Các bệnh lý về thần kinh như: tai biến mạch máu não, parkinson, rối loạn thần kinh tự chủ… hoặc các khối u và các bệnh lý thuộc về tủy sống cũng có thể gây nên tình trạng hạ huyết áp tư thế
Do dùng thuốc
- Một số dòng thuốc giãn mạch hạ áp có thể gây hạ huyết áp tư thế như thuốc hạ áp chẹn kênh canxi, nhóm thuốc nitrat.
- Thuốc hoạt hóa thần kinh tự chủ như thuốc chẹn alpha hay thuốc chống trầm cảm ba vòng…
Ngoài những nguyên nhân chính kể trên thì các yếu tố như việc nằm quá lâu, phụ nữ đang mang thai, uống bia rượu cũng có thể gây nên tình trạng hạ huyết áp tư thế.
Xem thêm: Cảnh giác với Tăng huyết áp sau phẫu thuật
Những biểu hiện lâm sàng của hạ huyết áp tư thế
Những biểu hiện lâm sàng thường gặp của hạ huyết áp tư thế cũng gần giống với người bị huyết áp thấp. Có thể kể đến một số biểu hiện điển hình như:
- Người bệnh sẽ bị hoa mắt, nhìn mờ, chóng mặt, đau đầu
- Người thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, có các dấu hiệu đau mỏi không rõ ràng ở vùng vai gáy
- Có thể bị rối loạn nhận thức
- Người trong trạng thái lơ mơ thậm chí có thể là ngất xỉu
- Có thể cảm thấy khó thở, đau tức ngực, nhịp tim nhanh, bị đi ngoài liên tục, nôn và buồn nôn, phù hoặc gặp phải một số dấu hiệu của rối loạn thần kinh khác…
Các triệu chứng này thường nặng hơn vào buổi sáng, xuất hiện khi ở tư thế đứng và giảm đi khi cho bệnh nhân nghỉ ngơi ở tư thế nằm.
Những biến chứng sẽ gặp phải và phòng ngừa bệnh hạ huyết áp tư thế
Biến chứng của hạ huyết áp tư thế đến rất nhanh và nguy hiểm, có thể té ngã gây chấn thương các vùng trên cơ thể do ngất xỉu đột ngột. Nếu huyết áp hạ xuống quá thấp và kéo dài có thể gây đột quỵ, rối loạn thần kinh và mất nhận thức.
Do vậy, để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do hạ huyết áp tư thế, bạn cần:
- Có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đều đặn mỗi ngày.
- Nếu có tiền sử huyết áp thấp, có thể thay đổi chế độ ăn tăng muối trong khẩu phần ăn và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh nằm quá lâu, hạn chế dùng rượu bia thuốc lá.
- Đi khám định kỳ và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Hạ huyết áp tư thế được chẩn đoán bằng cách nào?
- Hạ huyết áp tư thế đa số không có biểu hiện rõ ràng thậm chí là hoàn toàn bình thường gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Chính vì vậy việc phát hiện ra bệnh này là dựa vào chỉ số đo huyết áp và nhịp tim thu được ở tư thế nằm ngửa ít nhất 5 phút sai đó đo chỉ số này ở tư thế đứng ở 2 mốc thời gian là 1 phút và 3 phút. Trường hợp có nghi ngờ hạ huyết áp tư thế nhưng kiểm tra huyết áp tư thế đứng không xác nhận được chẩn đoán có thể kết hợp nghiệm pháp bàn nghiêng.
- Nếu bạn bị hoa mắt, chóng mặt, đầu óc choáng váng thì có thể bạn bị hạ huyết áp tư thế bởi đây là những dấu hiệu đặc trưng của căn bệnh này. Do đó, nếu gặp các hiện tượng này bạn hãy nhanh đến các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán cũng như chữa trị kịp thời.
Hạ huyết áp tư thế đứng là một bệnh cảnh lâm sàng quan trọng có tỉ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong không hề thấp, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Việc đánh giá đầy đủ và điều trị kịp thời tình trạng này sẽ giúp bạn có được sức khỏe ổn định và tránh được những biến chứng rủi ro sau này, do đó khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa khám và chẩn đoán kịp thời.