Bệnh nhân bị tăng huyết áp sẽ gây tổn thương mạch máu ở thận và làm thận bị xơ hoá, dẫn tới nhiều bệnh lý liên quan tại đây. Do đó, phải kiểm soát tốt huyết áp thì mới phòng tránh được các bệnh lý về thận, đặc biệt là suy thận. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ với bạn một vài thông tin hữu ích về bệnh thận do tăng huyết áp, mối liên quan giữa tăng huyết áp và bệnh thận cũng như cách giảm nguy cơ suy thận ở bệnh nhân cao huyết áp.
Mục lục
Tăng huyết áp và bệnh thận mạn có liên quan gì với nhau?
Bệnh nhân tăng huyết áp kéo dài lâu ngày sẽ gây ra những tổn thương nhất định ở thận, làm giảm chức năng của thận. Trong khi đó, bệnh nhân bị thận cũng có nguy cơ tăng huyết áp.
Cụ thể, huyết áp tăng cao sẽ khiến cho áp lực để lọc nước tiểu ở các cầu thận cũng tăng cao lên. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ làm màng lọc ở cầu thận bị tổn thương. Với những trường hợp này, khi làm xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy có Protein hoặc Microalbumine
Trường hợp bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp, khi xét nghiệm nước tiểu mà thấy có đạm niệu thì chứng tỏ thận đang bị tổn thương. Theo đó, thận càng tổn thương thì lượng tiểu đạm càng cao.
Bệnh nhân bị tổn thương thận sẽ mất khả năng đào thải chất độc và nước ra khỏi cơ thể như bình thường, cơ thể bị ứ đọng những chất này nên người bệnh sẽ xuất hiện 1 số triệu chứng như: ngứa ngoài da, mệt mỏi, bị phù, chán ăn.
Thận là cơ quan đóng vai trò cân bằng các chất điện giải như: Natri, Kali, Photpho… Nếu như bệnh nhân bị bệnh thận mạn ở mức độ nặng thì lượng Kali trong máu sẽ tăng cao lên vì không đào thải ra ngoài được. Kali quá cao (trên trên 6.0 mmol/L) chính là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, thậm chí là ngừng tim.
Bên cạnh đó, khả năng tiết hormon erythropoietin (có tác dụng tạo ra hồng cầu) của thận sẽ bị suy giảm khi bệnh nhân bị suy thận. Điều này lý giải tại sao người bệnh lại bị xanh xao, mệt mỏi.
Bác sĩ sẽ tính độ lọc cầu thận ước lượng (theo công thức được tính toán sẵn) bằng xét nghiệm Creatinin máu. Thông thường chỉ số độ lọc cầu thận < 15ml/phút (kéo dài từ 3 tháng trở lên) thì người bệnh được coi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Đây là mức vô cùng nguy hiểm và bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị thay thế thận với bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
Từ đây có thể thấy được rằng, thận chính là cơ quan trở thành nạn nhân và cũng chính là nguyên nhân của chứng cao huyết áp. Mối liên quan giữa chúng tạo thành vòng xoắn bệnh lý. Theo y học hiện đại, điều trị tăng huyết áp sớm và có hiệu quả (mặc dù điều này là rất khó) chính là hy vọng bẻ gãy vòng xoắn này.
Những bệnh lý về thận có nguy cơ làm tăng huyết áp
Bệnh hẹp động mạch thận
Trong số các bệnh lý về thận dễ gây nên chứng cao huyết áp thì hẹp động mạch thận chính là cái tên đứng hàng đầu. Cụ thể, các động mạch thận hẹp khiến cho lượng máu tới thận bị giảm xuống, tăng tiết chất aldosteron và angiotensin. Từ đó, gây nên tình trạng tăng huyết áp.
Ngoài bệnh lý tăng huyết áp, bệnh thận này còn là tác nhân gây ra các biến chứng nguy hiểm về thận, trong đó nguy hiểm nhất là suy thận mạn.
Viêm bể thận mãn tính
Bể thận chính là bộ phận nối giữa thận và niệu quản, khi nó bị viêm nhiễm do sỏi sẽ khiến người bệnh có những triệu chứng như: đái dắt, đái buốt, hông có cảm giác căng tức, sốt, rối loạn bài niệu, bị đau bụng. Trong đó, phải kể đến tình trạng tăng huyết áp ác tính, khó kiểm soát.
Viêm cầu thận
Viêm cầu thận được chia thành 2 loại bao gồm: viêm cầu thận cấp tính và mãn tính. Rối loạn miễn dịch hoặc sự phức hợp các kháng thể, kháng nguyên của liên cầu tan máu nhóm A chính là nguyên nhân gây nên bệnh.
Viêm cầu thận mang theo biến chứng thường gặp nhất chính là tăng huyết áp. Lý do là vì bệnh nhân bị bít tắc động mạch thận, các tiểu cầu thay đổi kích thước do bị sưng phồng, lượng máu đi qua bị giảm.
Bệnh thận đa nang
Khi thận xuất hiện nhiều nang thì sẽ làm tăng huyết áp tâm trương kịch phát ngay khi bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh. Nghiêm trọng hơn là bệnh nhân có nguy cơ bị suy thận nếu không được trị khỏi bệnh thận đa nang.
Đâu là giải pháp điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân suy thận?
Một điều đáng buồn là không có biện pháp nào điều trị đặc hiệu cho tổn thương thận do tăng huyết áp. Tuỳ thuộc vào đặc điểm và tình trạng bệnh ở những bệnh nhân khác nhau thì việc điều trị cũng được các bác sĩ chỉ định riêng cho phù hợp, hiệu quả nhất.
Thường thì thuốc lợi tiểu sẽ được ưu tiên sử dụng với mục đích làm giảm khối lượng máu, giảm dòng máu thận, từ đó làm giảm huyết áp.
Bên cạnh đó, một số dòng thuốc giãn mạch trực tiếp, thuốc ức chế beta giao cảm, nhóm thuốc ức chế men chuyển… cũng sẽ được bác sĩ xem xét và cân nhắc kê đơn cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
Và để việc kiểm soát huyết áp ở chỉ số ổn định và an toàn thì bệnh nhân cần phải thay đổi thói quen, xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học. Điều này không chỉ giúp làm giảm các tổn thương thận do bị tăng huyết áp mà còn giúp cải thiện sức khỏe nói chung của bệnh nhân. Ví dụ như:
Hạn chế lượng Natri nạp vào cơ thể
Chế độ ăn nhiều natri – muối chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng huyết áp. Do đó, bệnh nhân bị suy thận hoặc bị cao huyết áp không nên ăn quá 5g Natri/ngày.
Chế độ ăn giảm thiểu protein
Giảm lượng protein ăn vào sẽ có tác dụng làm tăng sức kháng trước cầu thận vì giảm được áp lực trong mao mạch cầu thận, từ đó giúp quá trình suy thận tiến triển chậm hơn.
Thiết lập lối sống lành mạnh
Chế độ sinh hoạt, thói quen hàng ngày ảnh hưởng rất nhiều tới chỉ số huyết áp của người bệnh, đặc biệt là việc tiêu thụ các loại thực phẩm như: thuốc lá, rượu, trà, cà phê, các chất kích thích.
Nên duy trì lối sống tích cực, tránh căng thẳng và quá stress, hạn chế những xúc động mạnh về tâm lý.
Người bệnh nên duy trì thói quen tập thể dục 30 – 45 phút/ ngày để cải thiện sức khoẻ, nâng cao miễn dịch cho cơ thể.
Vậy đâu là cách phòng ngừa và điều trị bệnh thận do tăng huyết áp?
Một khi bị tăng huyết áp thì nguy cơ mắc chứng suy thận khá cao, vì thế khi bị bệnh thận do tăng huyết áp người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm cần thiết. Từ đó, bác sĩ sẽ phân tích chỉ số, đánh giá nguy cơ, mức độ mắc bệnh, chức năng hiện tại của thận lúc đó, có bị tổn thương không, ở mức nặng hay nhẹ…
Nếu được chẩn đoán là mắc chứng tăng huyết áp, người bệnh nên tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Đồng thời, cũng cần chủ động, tự đo huyết áp tại nhà thường xuyên để theo dõi các chỉ số.
Luôn khám sức khỏe theo định kỳ để đánh giá chức năng của thận cũng như nhiều cơ quan khác có nguy cơ bị tổn thương do chứng cao huyết áp gây nên.
Thường thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm nước tiểu và máu để đánh giá lượng kali.
Tóm lại, bệnh nhân bị bệnh thận do tăng huyết áp nói riêng và bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp nói chung không nên chủ quan ngay cả khi huyết áp về chỉ số bình thường và đi vào ổn định. Cần cảnh giác với những tình huống huyết áp tăng cao đột ngột, hạn chế tối đa những biến chứng, tổn thương thận có thể mang lại.