Theo dõi huyết áp thường xuyên, điều trị đúng và đủ là một trong những nguyên tắc cơ bản của việc điều trị tăng huyết áp nhằm đưa huyết áp trở về mức < 140/90 mmHg. Đồng thời, giúp làm giảm tối đa những nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân bị cao huyết áp.
Có 3 phương pháp được áp dụng phổ biến trong việc điều trị tăng huyết áp hiện nay là: điều trị tăng huyết áp bằng không dùng thuốc, điều trị bằng việc sử dụng thuốc và điều trị bằng Đông y. Tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định kết hợp chúng hoặc riêng lẻ.
Phương pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc
Cách điều trị này tập trung vào việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt để kiểm soát huyết áp ở mức ổn định. Theo đó, bệnh nhân cần lưu ý thực hiện những điều sau đây:
- Giảm lượng muối ăn: Bạn nạp càng nhiều muối ăn thì càng làm huyết áp tăng cao. Và mức muối lý tưởng cho bệnh nhân huyết áp là không quá 6g/ngày.
- Giữ cân nặng cơ thể ở mức phù hợp: Thừa cân, béo phì chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tăng huyết áp. Do đó, nếu như bạn đang thừa cân thì nên xem xét việc giảm cân hợp lý, đảm bảo an toàn.
- Ăn uống lành mạnh: Đây là điều rất tốt cho sức khoẻ, không chỉ người bệnh cao huyết áp mà bất cứ ai cũng nên áp dụng. Riêng với những người bị cao huyết áp thì nên chú ý giảm lượng muối và đường tinh luyện, ưu tiên bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ, rau – củ – quả giàu chất chống oxy-hoá.
- Tăng cường tập thể dục: Thói quen ít vận động khiến bạn có nguy cơ cao hơn bị lên cơn tăng huyết áp. Do đó hãy dành khoảng 30 – 45 phút/ngày cho hoạt động thể dục. Riêng với bệnh nhân cao huyết áp cần chú ý tránh tập các môn thể thao cần vận động quá nhiều để tránh tổn thương động mạch.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Cà phê, bia, rượu, trà xanh, matcha, thuốc lá… đều là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp. Và nếu như bạn đang bị tăng huyết áp thì nên hạn chế sử dụng các chất này.
- Nghỉ ngơi thư giãn hợp lý: Bệnh tăng huyết áp sẽ diễn biến xấu hơn nếu như người bệnh có đời sống tâm lý không ổn định, tâm trạng thường xuyên bị kích động hoặc căng thẳng, lo âu. Do đó, bạn nên cố gắng xây dựng cho mình chế độ nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý. Nếu cần thiết ,hãy gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn.
Xem thêm: Cách phòng bệnh cao huyết áp ghé thăm
Phương pháp điều trị huyết áp cao bằng thuốc
Người bệnh cao huyết áp sau 1 – 2 tháng điều trị bằng cách thay đổi lối sống như trên nhưng vẫn không được cải thiện thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp dùng thuốc.
Thường thì bệnh nhân sẽ được kê đơn bằng thuốc lợi tiểu Thiazide, chặn canxi hoặc chất ức chế men chuyển (ACE) để góp phần kiểm soát huyết áp.
Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân cần tuân thủ lịch thăm khám định kỳ và có thể sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau như:
- Thuốc ức chế Beta: chúng có tác dụng làm tim đập chậm hơn, giảm áp lực lên tim bằng cơ chế làm giãn động mạch. Lúc này áp lực bơm máu sẽ được giảm đi, điều hoà huyết áp.
- Chất gây ức chế Angiotensin: Đây là chất khiến thành động mạch và mạch máu co hẹp lại. Thuốc giúp ngăn không cho cơ thể sản sinh quá nhiều Angiotensin để giảm áp lực máu và mạch máu giãn.
- Thuốc chặn Alpha-2: Với tác dụng giãn mạch máu và giảm huyết áp, thuốc tác dụng bằng cơ chế thay đổi xung thần kinh mà gây co mạch máu.
Điều trị cao huyết áp bằng Đông y thế nào?
Bên cạnh việc uống thuốc Tây y và thay đổi lối sống thì bệnh nhân cao huyết áp cũng có thể tham khảo phương pháp điều trị bệnh bằng thuốc Đông y. Cụ thể như:
- Uống nước hoa hòe: Trong thành phần của Hoa hòe có chứa nhiều Rutin – loại vitamin P có tác dụng tăng độ bền của mao mạch và chống co thắt nên giúp giảm huyết áp cho những bệnh nhân ở cấp độ vừa và nhẹ. Có thể dùng 12 – 16g hoa hòe khô để hãm thành trà (120 -160ml nước sôi) để uống hàng ngày.
- Đan Sâm trị bệnh cao huyết áp: Đan sâm được biết đến với khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa quá trình hình thành mảng xơ vữa, đồng thời giúp bảo vệ lớp nội mạc động mạch, giảm tiêu thụ oxy tại cơ tim. Đặc biệt, phải kể đến khả năng chống phì đại thành tâm thất trái – một trong những biến chứng thường ở bệnh nhân cao huyết áp. Đan Sâm có thể sắc với nước và uống khi còn nóng. Hoặc cách sử dụng khác là tán Đan Sâm thành bột mịt, trộn với mật ong và vo thành viên để dùng hàng ngày.
Ngoài 2 loại thảo dược kể trên, nhiều người cũng điều trị cao huyết áp bằng một số vị thuốc Đông y khác như: Húng quế, Mùi tây, Tỏi, Quế , Gừng…
Người bệnh khi bị cao huyết áp thì nên tới bệnh viện để được thăm khám bằng các thiết bị hiện đại. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán chính xác về tình hình bệnh, nguyên nhân và có hướng điều trị cho phù hợp, hiệu quả và an toàn nhất.
Trong quá trình điều trị bệnh cao huyết áp, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc cho dù huyết áp có được khôi phục về chỉ số cân bằng và ổn định.