Mùa hè thời tiết nắng nóng khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên, cứ nhiệt độ tăng lên 1°C, nguy cơ đột quỵ có thể tăng đến 10% trong vòng 6 ngày. Vì vậy, nhận biết và phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong mùa hè là một trong những vấn đề quan trọng, đặc biệt đối với những người bị bệnh tăng huyết áp.
Vậy những biện pháp nào giúp giảm nguy cơ đột quỵ khi vào hè cho người tăng huyết áp? Mời các bạn cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Nguyên nhân khiến nguy cơ đột quỵ ở người cao huyết áp tăng cao vào mùa hè
Nhiều người cho rằng, thời tiết lạnh mới khiến huyết áp tăng. Nhưng trên thực tế, trời nắng nóng cũng rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh, dễ gây cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới đột quỵ não.
Đối với cơ thể con người, nhiệt độ phù hợp nhất là khoảng 25-26°C, trong khoảng 20-30°C cơ thể có thể điều chỉnh thích nghi tốt. Nếu vượt xa ngưỡng nhiệt độ này, cơ thể không kịp thích nghi, điều chỉnh sẽ dẫn đến các tình trạng tai biến do nhiệt độ, cơ thể mất nước, khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, làm huyết áp tăng kịch phát dẫn đến đột quỵ. Cụ thể:
- Vào mùa hè, sự bài tiết mồ hôi gia tăng đồng thời quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh, cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, làm máu trở nên đặc quánh, tăng nguy cơ đột quỵ.
- Mùa hè thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ đêm và ngày chênh lệch nhau cao, nếu người bệnh ngủ không ngon giấc sẽ xuất hiện tình trạng tăng huyết áp vào ban đêm.
- Nhiệt độ oi bức làm tim đập nhanh, huyết áp vì thế cũng tăng theo. Do đó, khi trời nắng nóng, người bị cao huyết áp đi ra ngoài đường sẽ dẫn đến cơn tăng huyết áp kịch phát và gây đột quỵ.
- Nếu người bệnh ngại vận động, lười ra ngoài và thường xuyên ngồi trong phòng bật máy điều hòa với nhiệt độ thấp thì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh sẽ khiến cho mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường đột ngột bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao.
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người bệnh tăng huyết áp vào mùa hè
Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ ở người bệnh tăng huyết áp do nắng nóng điển hình nhất là bệnh nhân đột ngột có cảm giác tê, liệt ở mặt, tay hoặc chân, không nói được hoặc nói nhảm, mất thị lực đặc biệt nếu chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt, đau đầu dữ dội, chóng mặt, hoa mắt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn.
Cách sơ cứu đột quỵ cho người bệnh tăng huyết áp
Với bệnh nhân chưa rơi vào hôn mê nhưng có các biểu hiện như: nhức đầu, chóng mặt kèm theo tê nửa người, tê mặt, tê tay chân, hoặc bệnh nhân nói khó, nói nhảm, nuốt nghẹn… cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp bệnh nhân bị rơi vào trạng thái hôn mê, tiểu tiện không tự chủ hoặc nuốt sặc thì người thân cần cho người bệnh nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể. Cách này sẽ giúp người bệnh tránh tình trạng trào ngược đờm dãi vào khí quản gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến ngưng tim, ngưng thở, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, lúc này người bệnh bị liệt hô hấp nên khi đờm dãi tiết ra thì bệnh nhân lại không nuốt được xuống thực quản. Do đó, tuyệt đối không được cho người bệnh uống nước.
Nếu nhận thấy thân nhiệt nạn nhân quá nóng, hãy dùng mọi cách để làm mát cho họ như: sử dụng khăn thấm ướt lên người nạn nhân, chườm nước đá vào vùng bẹn, nách, vì đây là những vị trí có nhiều mạch máu gần với da, khi được làm mát sẽ hỗ trợ làm giảm thân nhiệt nhanh chóng.
Khi chuyển lên taxi hoặc xe cấp cứu phải luôn để bệnh nhân nghiêng đầu một bên. Người thân nên nhớ không được thoa dầu cạo gió, không sử dụng kim chích vào đầu ngón tay… vì những cách này không hiệu quả mà còn gây tổn thương cho cơ thể, thậm chí sự chà xát, gây áp lực lên mạch máu còn khiến cơ thể người bệnh tăng huyết áp cao hơn. Đồng thời lúc này không nên cho người bệnh uống thuốc hạ huyết áp vì tình trạng hạ huyết áp đột ngột sẽ gây tổn thương não nặng hơn. Hơn nữa, tổn thương của đột quỵ lại xảy ra tại vùng thần kinh trung ương của não bộ, vì vậy, các biện pháp này rất ít công dụng.
Điều quan trọng là cần gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân tới trung tâm đột quỵ nhanh nhất. Nếu đưa bệnh nhân đến bệnh viện sau 3 giờ thì việc điều trị đột quỵ cho người bệnh sẽ càng khó khăn hơn.
Biện pháp giảm nguy cơ đột quỵ khi vào hè cho người tăng huyết áp
Nguyên tắc cơ bản để phòng ngừa đột quỵ đó là kiểm soát huyết áp ổn định. Người bệnh cao huyết áp phải dùng thuốc đều đặn, không tự ý ngưng thuốc, cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt người bệnh cần đi khám sức khỏe thường xuyên, nhất là vào mùa nắng nóng để được tư vấn phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng một chế độ vận động phù hợp sẽ giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, làm tăng tính bền của thành mạch máu, hỗ trợ ngăn chặn nguy cơ thiếu máu não gây đột quỵ. Việc điều chỉnh nhiệt độ điều hòa trong phòng cũng rất quan trọng, người bệnh không nên ở trong phòng điều hòa quá lâu, nhiệt độ trong phòng nên điều chỉnh ở mức 26 độ.
Nếu có công việc phải ra ngoài, người bệnh cao huyết áp hãy chọn thời điểm phù hợp tốt cho sức khỏe nhất, có thể là lúc sáng sớm, khi trời đang còn mát dịu hoặc chiều khi trời đã tắt nắng, nhiệt độ không quá nắng nóng. Người bị cao huyết áp cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống phù hợp để ngăn chặn nguy cơ đột quỵ. Cụ thể:
- Bổ sung các loại thực phẩm như: Ngũ cốc thô, cá, thịt gia cầm, đậu, rau củ quả, trái cây tươi, sữa ít béo.
- Nên ăn các loại thực phẩm giàu chất kali như: Các loại đậu, cà chua, khoai lang, nho,…
- Tránh ăn các loại bánh ngọt, nước ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa hay cholesterol (có nhiều trong mỡ, nội tạng, da động vật, lòng đỏ trứng gà).
- Uống nước thường xuyên.
- Nên sử dụng ít muối natri trong thực đơn, nên ăn nhạt.
- Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật, tốt nhất là nên sử dụng thực phẩm hấp, luộc.
- Hạn chế rượu và thức uống có cồn, bỏ thuốc lá và tránh dùng chất kích thích như cà phê,..
Trên đây là những thông tin và những biện pháp giúp giảm nguy cơ đột quỵ khi vào hè cho người tăng huyết áp. Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính vì vậy, người bệnh và người thân cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ, kết hợp chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.