Trong quá trình điều trị tăng huyết áp có những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến huyết áp mãi không thấy giảm, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, những biến chứng đến nhanh hơn thậm chí có thể khiến người bệnh “mất mạng. Vậy những sai lầm thường gặp khi điều trị cao huyết áp là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Mục lục
Tự ý tăng – giảm liều hoặc ngưng sử dụng thuốc điều trị khi thấy huyết áp ổn định
Có rất nhiều người bệnh đã tự ý tăng – giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc khi thấy huyết áp của mình đã trở về mức bình thường vì cho rằng bệnh mình đã khỏi hoặc lo lắng tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị.
Theo ý kiến của các chuyên gia y tế thì cao huyết áp là bệnh mãn tính người bệnh phải chung sống với nó cả đời, việc tự ý tăng – giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc là rất nguy hiểm. Bởi huyết áp trở về mức bình thường là do tác dụng của thuốc đem lại:
- Khi uống thuốc quá liều sẽ khiến người bệnh gặp nhiều tác dụng phụ của thuốc, gây tụt huyết áp quá mức thậm chí có thể gây trụy mạch, nguy hiểm đến tính mạng.
- Khi uống thuốc không đủ liều hoặc không uống thuốc sẽ khiến huyết áp tăng trở lại một cách đột ngột gây rạn nứt nhiều hơn, nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn, các cục máu đông này sẽ di chuyển ở trong lòng mạch gây bít tắc ở những mạch máu nhỏ, lúc này người bệnh có thể bị vỡ mạch, xuất huyết não, đột quỵ…
Tự ý đổi thuốc, dùng chung đơn thuốc với người khác mà không cần đi khám
Có rất nhiều bệnh nhân cho rằng đơn thuốc điều trị cao huyết áp có thể phù hợp với tất cả mọi người nên xin toa thuốc của người khác đem ra quầy thuốc tự mua và sử dụng. Đây là một việc làm rất nguy hiểm bởi mỗi đơn thuốc liều dùng và cách dùng đều phải dựa vào tình trạng sức khỏe ở thời điểm hiện tại như: giai đoạn bệnh, chỉ số huyết áp, các bệnh lý đi kèm… Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng đơn thuốc với người khác mà cần phải đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn phù hợp với bản thân mình.
Ngoài ra có một số bệnh nhân sau quá trình điều trị huyết áp quay trở về mức bình thường thì tự ý đổi thuốc với hy vọng thuốc mới tốt hơn, an toàn hơn, giá thành hợp lý hơn, ít tác dụng phụ hơn…. nhưng thực tế là khi người bệnh muốn thay đổi thuốc phải hỏi ý kiến bác sĩ đang điều trị cho mình, bởi một loại thuốc tốt là thuốc có khả năng hạ và kiểm soát huyết áp tốt, ít tác dụng phụ và phù hợp với cơ địa của người sử dụng. Một số loại thuốc có thể tốt với người này nhưng lại không tốt với người kia.
Đã có đơn thuốc thì cứ duy trì dùng không cần tái khám
Đã đi khám và có đơn thuốc thì việc cần làm là duy trì uống đều đặn đơn thuốc đó mà không cần tái khám là một sai lầm thường gặp khi điều trị cao huyết áp. Nhưng đây là quan niệm sai lầm, bởi sau một thời gian điều trị có thể tình trạng huyết áp của người bệnh cũng có thể thay đổi tốt hơn hoặc xấu đi đi kèm với nó là một số biến chứng nó gây ra cho cơ thể mà người bệnh khó có thể nhận ra. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không nên sử dụng một đơn thuốc kéo dài mà nên đi tái khám theo đúng thời gian hẹn của bác sĩ để có thể điều chỉnh lại đơn thuốc, liều dùng cho phù hợp với tình trạng hiện tại của mình.
Không có thói quen uống thuốc đều đặn, đúng giờ
Mỗi loại thuốc sẽ có quy định về giờ uống để có thể phát huy tối đa công dụng của mình. Chính vì vậy người bệnh tuyệt đối cần tuân thủ đúng thời gian, cách uống như chỉ định của bác sĩ tránh việc uống thất thường, uống một cách ngẫu hứng lúc nhớ lúc quên sẽ không mang lại hiệu quả khi điều trị mà khiến người bệnh uống thuốc cũng như không.
Không theo dõi và kiểm tra huyết áp thường xuyên
Có khá nhiều người cho rằng huyết áp cao chỉ gặp ở người già không gặp ở người trẻ, người khỏe mạnh bình thường, người đã sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ là huyết áp sẽ trở về mức bình thường nên không cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên nhưng đây là những quan niệm sai lầm thường gặp khi điều trị cao huyết áp. Bởi việc uống thuốc thường xuyên nhưng người bệnh cũng chưa thể biết được liệu liều như vậy đã đủ chưa vì nếu uống quá liều sẽ gây tụt huyết áp, thiếu liều sẽ khiến huyết áp vẫn còn cao. Do đó ở độ tuổi nào, người bị cũng như người chưa bị cũng nên có thói quen thường xuyên theo dõi và kiểm tra huyết áp tại nhà nhé.
Chỉ cần uống thuốc điều trị huyết áp không cần thay đổi lối sống và ngược lại
Rất nhiều người cho rằng nếu đã uống thuốc điều trị huyết áp không cần thay đổi lối sống và ngược lại nhưng đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao và ổn định thì cần kết hợp cả 2. Thuốc điều trị sẽ có tác dụng đưa huyết áp về mức bình thường nhanh chóng, kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp giảm gánh nặng lên tim, thận và các cơ quan đích, giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa ở trong lòng mạch, vận động thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm cholesterol xấu, thành mạch dẻo dai tăng đàn hồi và khỏe hơn, máu huyết lưu thông tốt hơn, cơ thể sảng khoái. Từ đó, giúp huyết áp giảm và luôn luôn duy trì ổn định, ngăn ngừa được tối đa các biến chứng mà nó gây ra cho người bệnh.
Như vậy, để có kết quả điều trị tốt nhất thì người bệnh tuyệt đối cần tránh vấp phải những sai lầm thường gặp khi điều trị cao huyết áp kể trên. Hãy thường xuyên thăm khám định kỳ, sử dụng đơn thuốc dưới sự kiểm soát của bác sĩ, không tự ý ngưng thuốc hay dùng đơn thuốc của người khác… kết hợp với việc thay đổi lối sống nhé.