Phụ nữ bị cao huyết áp có mang thai được không? có sinh thường được không? nguyên nhân và cách giảm huyết áp khi mang thai là vấn đề được chị em quan tâm và gửi câu hỏi nhiều nhất tới chúng tôi trong tuần qua. Hãy cùng chúng tôi dành ra 5 phút để đọc bài viết giúp các chị em trả lời toàn bộ những băn khoăn kể trên cũng như có cái nhìn toàn cảnh về bệnh cao huyết áp trước và trong khi mang thai, những ảnh hưởng của nó gây ra đối với sản phụ và thai nhi.
Mục lục
Phụ nữ bị cao huyết áp có mang thai được không?
Theo các chuyên gia phụ nữ bị cao huyết áp hoàn toàn có thể mang thai như bình thường. Tuy nhiên, cần nắm rõ tình trạng bệnh của mình, thường xuyên theo dõi và kiểm soát huyết áp trong suốt thai kỳ với sự theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa. Bởi theo các chuyên gia, khi phụ nữ bị cao huyết áp mà mang thai thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả mẹ và con vì tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây biến chứng sinh non, phù thũng…
Huyết áp cao có ảnh hưởng như thế nào đến sản phụ và thai nhi?
Làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi
Huyết áp cao sẽ khiến việc lưu thông máu đến các cơ quan bị ảnh hưởng trong đó có việc giảm lưu lượng máu đến nhau thai. Việc này khiến thai nhi có thể nhận được ít oxy và chất dinh dưỡng hơn sẽ chậm phát triển, nhẹ cân, sinh non….
Việc sinh non khi các cơ quan của thai nhi chưa phát triển toàn diễn khiến trẻ dễ gặp các vấn đề về hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm trùng gặp các biến chứng khác cho trẻ.
Làm nhau thai bong non
Nhau thai là cơ quan kết nối giữa mẹ và thai nhi nhằm cung cấp chất dinh dưỡng, thải chất thải, trao đổi máu với cơ thể người mẹ. Tăng huyết áp có thể dẫn đến việc nhau thai bị tách ra khỏi tử cung một phần hoặc toàn bộ trước khi em bé đủ ngày đủ tháng để chào đời gây thiếu máu nặng đe dọa đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi.
Sinh non
Đôi khi việc sinh nở sớm là cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng của cao huyết áp, trong đó có khả năng đe dọa đến tính mạng của sản phụ.
Tổn thương đến các bộ phận cơ thể của mẹ
Huyết áp cao còn khiến các cơ quan khác trên cơ thể người mẹ bị tổn thương nếu không được kiểm soát. Một số tổn thương có thể kể đến như tổn thương ở tim, phổi, thận, gan, não… Nghiêm trọng hơn nó còn có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ.
Nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong tương lai
Huyết áp cao khiến cản trở chức năng cầm máu, các thành động mạch trở nên yếu dễ vỡ, chức năng của thận cũng bị suy giảm khiến sản phụ gặp phải hiện tượng chảy máu não, gan, tạng bị tổn thương, tiểu cầu cạn kiệt, máu không đông làm ảnh hưởng lớn nhất đến hệ tim mạch dẫn đến hiện tượng tiền sản giật và tăng nguy cơ tử vong.
Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch trong tương lai. Tỷ lệ mắc bệnh càng cao nếu sản phụ bị tiền sản giật nhiều lần hoặc sinh non do bị huyết áp cao.
Các loại huyết áp cao khi mang thai
Huyết áp cao là căn bệnh có thể gặp trước khi mang thai hoặc có thể xảy ra trong khi mang thai. Vì vậy, trong quá trình theo dõi và kiểm tra thai kỳ các bác sĩ sẽ luôn có bước kiểm tra huyết áp của sản phụ, khi chỉ số đo huyết áp nhận được vượt ngưỡng 130/80 mmHg thì sẽ được nhận định là bị mắc cao huyết áp.
Tăng huyết áp khi mang thai có thể phân thành các nhóm sau:
Cao huyết áp mãn tính
Đây là tình trạng sản phụ đã bị cao huyết áp trước khi mang thai hoặc xảy ra trước tuần 20 của thai kỳ. Do huyết áp cao không được biểu hiện bởi những triệu chứng rõ ràng nên đôi khi chỉ được biết đến khi đi khám thai định kỳ.
Tăng huyết áp thai kỳ
Đây là những trường hợp bị tăng huyết áp sau tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng KHÔNG có các biểu hiện của bệnh TIỀN SẢN GIẬT. Với trường hợp này sản phụ không cần quá lo lắng vì nó sẽ biến mất sau khi sinh con.
Tiền sản giật
Tiền sản giật thường xảy ra sau tuần thai thứ 20. Đây là tình trạng khá nguy hiểm có thể đe dọa cả tính mạng của sản phụ và thai nhi. Lúc này sản phụ sẽ gặp phải một số biểu hiện như: phù, cao huyết áp, protein niệu.
Nếu cơn tiền sản giật không được điều trị kịp thời sản phụ sẽ chuyển sang cơn co giật, hôn mê do nhiễm độc huyết tiến triển gây ra các biến chứng ở mắt làm mờ mắt, ở bụng làm đau vùng bụng, ở não làm sản phụ bị đau đầu và co giật… sau đó có thể dẫn đến tử vong.
Trước đây, phụ nữ đang mang thai bị cao huyết áp được chẩn đoán, tiến hành xét nghiệm nếu thấy trong nước tiểu có chứa protein thì được kết luận có thể bị tiền sản giật. Tuy nhiên, ngày nay các chuyên gia cho biết phụ nữ đang mang thai bị cao huyết áp vẫn có nguy cơ mắc tiền sản giật mặc dù trong nước tiểu không chứa protein.
Nguyên nhân khiến sản phụ bị tình trạng cao huyết áp ghé thăm
Có một số nguyên nhân chính khiến huyết áp cao ghé thăm các sản phụ như:
- Thiếu hoạt động thể chất
- Do di truyền (trong gia đình có tiền sử bị tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ)
- Tuổi tác (mang thai trên 35 tuổi nguy cơ mắc cao hơn)
- Thừa cân béo phì
- Đời sống không lành mạnh thường xuyên sử dụng rượu bia thuốc lá
- Phụ nữ mang thai lần đầu, mang thai đôi hoặc mang đa thai….
Người bị cao huyết áp muốn mang thai cần chú ý những gì để có thai kỳ an toàn?
Để có một thai kỳ khỏe mạnh sản phụ cần chú ý tuyệt đối tuân thủ các điều sau:
- Luôn đi thăm khám sức khỏe hàng tháng định kỳ.
- Sử dụng thuốc hạ huyết áp theo đúng liều lượng, thời gian mà bác sĩ chỉ định. Nghỉ ngơi theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Có một lối sống lành mạnh: tránh để cơ thể căng thẳng, tập thể dục nhẹ nhàng bằng yoga, đi bộ, hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào, đồ ăn chứa nhiều muối, thức ăn đóng hộp, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cafe…
- Kiểm soát cân nặng khi mang thai.
Cao huyết áp với người bình thường có thể để lại những biến chứng nặng nề và nó càng trở nên nguy hiểm khi người bị cao huyết áp là sản phụ. Vì vậy các sản phụ hãy cố gắng kiểm tra và kiểm soát huyết áp của mình thường xuyên, thực hiện chế độ dưỡng thai khoa học để có thể có những chuẩn bị tốt nhất hạn chế tối đa nguy cơ xấu có thể xảy ra cho cả sản phụ và thai nhi.